Phân tích khổ 2 Tây Tiến của Quang Dũng hay, ngắn gọn tuyển chọn

Thứ sáu - 26/04/2024 00:01
“Tây Tiến” là một trong những tác phẩm nổi bật của văn học thời chống Pháp. Hãy cùng tìm hiểu thêm về bài thơ vô cùng ý nghĩa này qua bài của Quang Dũng, Ngữ văn 12, học kì I do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn dưới đây nhé!
Mục lục
“Tây Tiến” là một trong những tác phẩm nổi bật của văn học thời chống Pháp. Hãy cùng tìm hiểu thêm về bài thơ vô cùng ý nghĩa này qua bài phân tích khổ 2 Tây Tiến của Quang Dũng, Ngữ văn 12, học kì I do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn dưới đây nhé!
Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.
1. Bài mẫu số 1.
2. Bài mẫu số 2.

phan tich kho 2 bai tho tay tien cua quang dung

Phân tích đoạn 2 bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
 

I. Dàn ý Phân tích khổ 2 Tây Tiến của Quang Dũng (Chuẩn)
 

1. Mở bài

- Giới thiệu đôi nét về tác giả Quang Dũng và tác phẩm Tây Tiến
- Khổ 2 Tây Tiến thể hiện một thế giới lãng mạn và trữ tình ở vùng Tây Bắc với những kỉ niệm đẹp.

- Trích thơ :

"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
...
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa "

>> Tham khảo những cách Mở bài Tây Tiến của Quang Dũng đạt điểm cao.
 

2. Thân bài

a. Khái quát:

- Sơ lược về đoàn quân Tây Tiến.
- Đôi nét về tác phẩm "Tây Tiến".

b. Phân tích: 

- Hai câu thơ đầu:
+ "Doanh trại": nơi sống và làm việc của bộ đội, khô khan, nghiêm khắc
+ Động từ "bừng": ánh sáng mạnh mẽ, rực rỡ
+ "Hội đuốc hoa": mang màu sắc tình yêu (từ chữ Hán có nghĩa là hoa chúc) vừa duyên dáng, vừa rạng rỡ
+ "Kìa em": Ngỡ ngàng, kinh ngạc, trìu mến
+ "Xiêm áo": Trang phục đẹp đẽ, xinh xắn

- Hai câu thơ sau:
+ "Khèn": nhạc cụ mang bản sắc riêng của Tây Bắc
+ "Man điệu": điệu nhạc, điệu múa mang âm hưởng Tây Bắc
+ "E ấp": sự ngại ngùng, thẹn thùng của các thiếu nữ dân tộc
+ "Xây hồn thơ": vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của tâm hồn người chiến sĩ

- Bốn câu thơ tiếp theo
+ Chiều sương": hình ảnh lãng mạn, nhẹ nhàng, thơ mộng khác với sự hùng vĩ dữ dội ở đầu bài
+"Ấy": đại từ khiến hình ảnh buổi chiều sương trở nên đặc biệt
+"Hồn lau": Tả dáng lau qua màn sương, đồng thời đem lại linh hồn cho cây cỏ
+"Nẻo bến bờ": Nẻo- hướng đi, lối đi. Đi đâu cũng thấy mênh mông, bao la
+Điệp ngữ: "Có thấy-có nhớ" thể hiện nỗi lưu luyến, nhớ nhung da diết
+"Dáng người trên độc mộc": Dáng vẻ uyển chuyển, thướt tha với sự làm duyên của cánh hoa đong đưa theo dòng nước lũ.
+"Dòng nước lũ- hoa đong đưa": Hình ảnh tưởng chừng đối lập mà hài hòa nên thơ
→ Bút pháp gợi mà không tả

c) Đánh giá: 

- Ngòi bút tài hoa,tinh tế nhưng không kém phần lãng mạn, trữ tình của Quang Dũng
- Tình cảm của tác giả dành cho thiên nhiên và con người Tây Bắc cùng với các kỉ niệm đẹp.
 

3. Kết bài

Suy nghĩ, tình cảm của em Quang Dũng và tác phẩm "Tây Tiến".
 

II. Bài văn mẫu Phân tích đoạn 2 Tây Tiến của Quang Dũng (Chuẩn)

Mẹo Phương pháp phân tích đoạn thơ hay, điểm cao


1. Phân tích khổ 2 Tây Tiến hay, ngắn gọn - Mẫu 1

"Tổ Quốc ta bao giờ đẹp thế này chăng?"

Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng thốt lên khi ông cảm nhận được vẻ đẹp của đất nước ta. Vẻ đẹp ở đây không chỉ ở những cánh đồng lúa mênh mông, bát ngát hay những bờ biển rì rào cát trắng mà nó còn ở trong chính con người Việt Nam ta. Cùng đề tài ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, con người, Quang Dũng đã khắc họa tài tình vẻ đẹp vùng núi Tây Bắc và phẩm chất của những người lính qua tác phẩm "Tây Tiến". Ông sáng tác bài thơ vào năm 1948 ở Phù Lưu Chanh sau khi ông rời đơn vị cũ. Quang Dũng gửi gắm mọi tâm tư, tình cảm, nỗi nhớ da diết của mình vào Tây Tiến, nổi bật hơn hết là những kỉ niệm đẹp cùng với hình ảnh đêm hội liên hoan và buổi chiều sương được thể hiện tinh tế qua đoạn thơ:

"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
...
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"

Tây Tiến là tên đoàn quân được thành lập năm 1947, chiến đấu ở vùng Tây Bắc. Đa số là thanh niên tri thức Hà Nội. Ban đầu bài thơ có tên "Nhớ Tây Tiến" nhưng để đảm bảo tính hàm súc cho tác phẩm thì Quang Dũng đã đổi tên thành "Tây Tiến". Dấu ấn hội họa và âm nhạc được tác giả thể hiện nổi bật ở những kỉ niệm đẹp và buổi chia li trong miền nhớ của ông

Mở đầu đoạn thơ là hình ảnh doanh trại lung linh, tưng bừng, vui như đi trẩy hội.

"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ"

Thông thường khi nhắc đến "doanh trại" thì ta sẽ nghĩ đến không khí nghiêm túc, khô khan của các anh chiến sĩ, bộ đội. Nhưng không, trong thơ Quang Dũng hình ảnh doanh trại hiện lên cùng với hội đuốc hoa cùng với động từ "bừng" tạo nên không khí vui tươi, sôi động. Ở đây các anh chiến sĩ được thoải mái, thư giãn sau những chặng đường hành quân khó khăn, mệt mỏi. Động từ "bừng" như làm rực sáng cả câu thơ, như ánh sáng tỏa sáng rực rỡ, mạnh mẽ khắp doanh trại. Cụm từ cảm thán " kìa em" vang lên với sự ngỡ ngàng, kinh ngạc đồng thời lại đầy cảm xúc dạt dào, trìu mến. Các cô gái Tây Bắc với xiêm y lộng lẫy, đẹp đẽ bước ra mang đến hương sắc ngọt ngào, nhẹ nhàng tạo cho doanh trại một không khí đầy tươi vui, hạnh phúc.Một đêm hội tràn ngập ánh sáng, chan hòa âm nhạc và vũ điệu, thắm thiết tình quân dân

Tiếp đến hai câu thơ sau mang đến bản sắc dân tộc vùng Tây Bắc:

"Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ"

Khèn là nhạc cụ dân tộc ở núi rừng Tây Bắc, thường người Tây Bắc sẽ sử dụng loại nhạc cụ này trong các dịp lễ hội và các chàng trai, cô gái thì múa hoặc hát theo tiếng nhạc ấy. Tác giả đã đem vào thơ ca hình ảnh nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc ở Tây Bắc. "Man điệu" ở đây chỉ điệu nhạc hay điệu múa mang đậm đà bản sắc dân tộc xứ này. Tính từ "e ấp" thể hiện sự thẹn thùng, ngại ngùng của các cô thiếu nữ dân tộc đồng thời làm toát lên vẻ đẹp tinh tế, trong sáng của các cô gái. Tiếng nhạc hòa cùng các điệu múa nhẹ nhàng, uyển chuyển của các cô gái làm lay động, say mê các chàng thanh niên tri thức Hà Nội. Không khí đó đã xua tan mọi muộn phiền, mỏi mệt của đoàn quân Tây Tiến, như tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho họ để tiếp tục chặng đường đầy khó khăn cùng với ý chí "Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh" của mỗi người chiến sĩ. Trong không khí ấy, tâm hồn của người chiến sĩ hướng "về Viên Chăn xây hồn thơ". Hơn ở đâu hết, đoạn thơ này bộc lộ nét tài hoa và hồn thơ lãng mạng của Quang Dũng.

Hai câu thơ tiếp theo tả cảnh buổi chiều chia ly ở Tây Bắc, vừa tả thực vừa tả mộng tạo nên không gian huyền ảo, mộng mơ:

"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có nhớ hồn lau nẻo bến bờ "

Hình ảnh buổi chiều sương lãng mạn, nhẹ nhàng, thơ mộng khác với sự hùng vĩ dữ dội ở đầu bài. Một thế giới khác của thiên nhiên Tây Bắc được mở ra, không còn mạnh mẽ, khúc khuỷu, thăm thẳm mà lại chuyển sang nên thơ, mơ mộng hơn. Đặc biệt đại từ "ấy" tạo nên nét độc đáo cho buổi chiều sương, như nhắc lại kỉ niệm những buổi chiều sương đẹp đẽ, lung linh trong miền ký ức. Sương ở đây không phải là sương che lấp, che phủ mà sương thể hiện nỗi buồn man mác, nỗi lưu luyến của người đi Châu Mộc vào buổi chiều sương. Sau này, cùng hình ảnh thiên nhiên đẹp đẽ, nên thơ.đó, Tố Hữu đã có hai câu thơ ngợi tả cảnh đẹp ở Châu Mộc:

"Nông trường Châu Mộc như hoa nở

Giữa núi rừng Tây Bắc hát ca"

Còn buổi chiều của thơ Quang Dũng, ông miêu tả hình ảnh "hồn lau" tả dáng lau uyển chuyển, mỏng manh qua màn sương, đồng thời như mang đến làn gió thổi vào từng cây cỏ để tạo nên không gian thiên nhiên đầy sức sống, mãnh liệt.

Hai câu thơ cuối thể hiện hình ảnh con người hòa quyện cùng thiên nhiên thơ mộng:

"Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"

Bóng dáng người trên độc mộc với dáng vẻ lả lướt, thướt tha hòa cùng với sự làm duyên của cánh hoa đong đưa theo dòng nước lũ. Điệp ngữ "có nhớ- có thấy" làm tăng thêm xúc cảm, nỗi nhớ da diết, nồng nàn của tác giả dành cho nơi đây. Hình ảnh đối lập giữa dòng nước lũ và hoa đong đưa, dòng lũ cuộn trào mạnh mẽ với cành hoa nhẹ nhàng lung lay, hai hình ảnh như đối lập hoàn toàn nhưng lại hài hòa, nên thơ.Bút pháp gợi mà không tả với những nét vẽ cách điệu đã tạo nên bức tranh đậm đà chất hội họa hòa với chất thi vị trữ tình lôi cuốn người đọc, đưa ta vào một thế giới hoang sơ, cổ tích

Với ngòi bút hào hoa, tinh tế không kém phần thơ mộng và đầy lãng mạng, Quang Dũng đã phác họa nên bức tranh những kỉ niệm đẹp đầy lung linh, huyền ảo và hình ảnh buổi chiều sương mang đậm sự lưu luyến, nhớ nhung da diết. Chất họa và nhạc trong thơ ca Quang Dũng được bộc lộ hết ở khổ thơ trên.

"Tây Tiến" quả là tác phẩm để đời của nhà thơ Quang Dũng. Bài thơ vừa mang tính cách mạng lại còn đậm nét trữ tình nghệ thuật, đem đến cho người đọc một góc nhìn khác về Tây Bắc: lung linh hơn, thơ mộng hơn. Đồng thời như cuốn nhật kí ghi lại những kỉ niệm đẹp nơi đây, chứa mãi trong miền kí ức của tác giả.

 

2. Bài văn Phân tích khổ 2 Tây Tiến hay nhất - Mẫu 2

2.1. Dàn ý Phân tích đoạn 2 Tây Tiến hay chọn lọc:

2.1.1. Mở bài: 

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm. 
- Khái quát về khổ thơ thứ 2: Những kỉ niệm đẹp về tình quân dân thắm thiết và bức tranh thiên nhiên Tây Bắc kì ảo, thơ mộng. 

2.1.2. Thân bài: 

a, Nội dung: 
* Kỉ niệm về đêm liên hoan thắm thiết tình quân dân: 
- "Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa": 
+ Động từ "bừng": diễn tả sự phấn khởi, vui vẻ, náo nhiệt.
+ "hội đuốc hoa": không gian lễ hội tràn ngập màu sắc và ánh lửa.
- Không khí lễ hội vui tươi, rộn ràng: 
+ "Kìa em", "tự bao giờ": thái độ ngạc nhiên, bất ngờ.
+ Hình ảnh con người: "xiêm áo", "e ấp". 
+ "Khèn lên man điệu": nhạc cụ, điệu múa, điệu nhạc mang bản sắc, âm hưởng riêng của con người Tây Bắc.
+ "Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ": vẻ đẹp tâm hồn mộng mơ của người chiến sĩ trong đêm nhạc rộn ràng, vui vẻ. 
=> Tâm hồn con người đắm chìm trong sự vui tươi, ấm áp của lễ hội. 
* Khung cảnh thiên nhiên và con người Tây Bắc: 
- Không gian đẹp huyền ảo, có phần thiêng liêng: "chiều sương", "hồn lau nẻo bến bờ".
- Đại từ "ấy": khiến "chiều sương" trở nên đặc biệt, có vị trí riêng trong tâm tưởng của nhà thơ. 
- Con người xuất hiện mờ ảo: "dáng người trên độc mộc". 
- Điệp ngữ: "Có thấy", "Có nhớ": nỗi lưu luyến, nhớ nhung da diết, khôn nguôi. 
- "Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa": 
+ Động từ "trôi": gợi cảm giác lênh đênh, miên man. 
+ Hình ảnh: "dòng nước lũ" - "hoa đong đưa" -> Tưởng như đối lập mà lại hài hòa, lãng mạn. 

b, Nghệ thuật:
- Các biện pháp tu từ được kết hợp khéo léo. 
- Ngôn ngữ giản dị, giàu sức gợi. 
- Bút pháp gợi mà không tả. 

2.1.3. Kết bài: 
- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật của khổ thơ thứ 2.
- Liên hệ mở rộng. 

2.2. Bài văn mẫu Phân tích đoạn 2 Tây Tiến chọn lọc hay nhất: 

Đến với văn học thời kì chống Pháp, không ai là không biết đến "Tây Tiến". Đây là một trong những bài thơ tiêu biểu và thành công nhất khi viết về hình tượng người chiến sĩ. Đồng thời, tái hiện thiên nhiên Tây Bắc với vẻ đẹp hoang sơ, mang chút thiêng liêng của chốn núi rừng.

Bên cạnh vẻ đẹp bi tráng, hào hùng của thời đại, người lính Tây Tiến còn hiện lên với tâm hồn lãng mạn và đầy trẻ trung. Điều này đã được tác giả thể hiện rất rõ qua kí ức về những đêm liên hoan văn nghệ thấm đượm tình quân dân:

"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

  Kìa em xiêm áo tự bao giờ

  Khèn lên man điệu nàng e ấp

  Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ"

Hai chữ "doanh trại" cho người đọc biết được nơi ở của các chiến sĩ. Nơi đó thường được đánh giá là nghiêm túc, đầy tính kỉ luật và có phần hơi khô khan. Thế nhưng đến với "Tây Tiến", Quang Dũng lại miêu tả khu doanh trại vui tươi, đầy màu sắc và âm thanh. Từ "bừng" khiến câu thơ như được tiếp thêm sức sống, đem đến khung cảnh sôi động, náo nhiệt của đêm liên hoan. "Hội đuốc hoa" gợi ra không gian vừa có ánh lửa bập bùng, ấm áp, vừa có sự đẹp đẽ, lãng mạn của thiên nhiên núi rừng. Ánh sáng từ ngọn lửa khiến cả doanh trại như khoác lên bộ áo mới. Ngay lúc này, hình ảnh con người cũng xuất hiện với tâm thế khác. Không còn sự khô cứng của chiến trường, những chiến sĩ giờ đây trở lại vẻ trẻ trung, lãng mạn vốn có. Họ ngạc nhiên, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp "e ấp" của người con gái Tây Bắc. Đồng thời, hòa mình vào khúc nhạc truyền thống của bà con nơi đây. Trong khung cảnh lãng mạn, vui tươi ấy, tình dân quân càng trở nên thắm thiết, gắn bó hơn bao giờ hết. Tâm hồn tinh tế của thi sĩ giờ đây cũng được bộc lộ vô cùng rõ nét. Không chỉ là người chiến sĩ gan trường, quả cảm, bất khuất ngoài mặt trận, các anh lính Tây Tiến còn là những chàng trai trẻ đầy mộng mơ, hoài bão. Nhờ có đêm hội kia, họ mới có thể tạm bỏ đi những gánh nặng, mỏi mệt để hòa mình vào cuộc sống của người dân, nạp lại sức mạnh chuẩn bị cho chặng đường gian khổ tiếp theo. 

Bên cạnh việc tái hiện không khí vui tươi, náo nhiệt của những đêm liên hoan văn nghệ, khổ thơ thứ hai còn mang đến bức tranh huyền bí, thiêng liêng của vùng núi non Tây Bắc:

"Ai đi Châu Mộc chiều sương ấy

  Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

  Có nhớ dáng người trên độc mộc

  Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"

Khác với vẻ dữ dội ở khổ thơ thứ nhất, thiên nhiên Tây Bắc trong khổ thơ thứ hai hiện lên nhẹ nhàng, hiền hòa và đầy thơ mộng. Cả không gian như được phủ lên một màu kí ức mờ ảo với làn sương lung linh, huyền bí. Đại từ "ấy" đặt ở cuối đã khiến người đọc thấy được dòng hồi tưởng của thi nhân về những kỉ niệm đẹp đẽ khi xưa. Nhưng đồng thời, cũng là nỗi lưu luyến, không muốn tách rời của con người. Trong không khí ấy, hình ảnh những cành lau nhẹ nhàng, mỏng manh được hiện lên một cách mờ ảo. Từ "hồn lau" đã tạo cho cảnh sắc thiên nhiên nơi đây sự bí ẩn, linh thiêng vô cùng. Bên cạnh đó, điệp ngữ "có thấy", "có nhớ" được tác giả đặt ở hai câu thơ liên tiếp nhau, giúp đẩy cảm xúc của người đọc lên cao hơn. Đó là sự gia tăng của nỗi nhớ, của sự luyến lưu mà thi nhân dành cho chốn nước non Tây Bắc. Trong khung cảnh thiêng liêng ấy, bóng dáng con người "trên độc mộc" lại hiện ra, khi xa khi gần. Và cũng ở đó, tác giả đã đưa đến hình ảnh "Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa". Nước lũ thường gợi lên sự mạnh mẽ, cuồn cuộn và dữ dội. Trong khi những cánh hoa "đong đưa" lại tạo cảm giác nhẹ nhàng, dập dềnh, lênh đênh. Hai chi tiết tưởng như đối lập này được đặt cạnh nhau, đột nhiên trở nên hài hòa, thi vị khó tả. Qua đó, người đọc càng thấy được rõ hơn tài năng trong nghệ thuật miêu tả của nhà thơ Quang Dũng. 

Một đoạn thơ với hai phần tách biệt đã tạo nên bức tranh hoàn chỉnh nhất về thiên nhiên và con người Tây Bắc. Nơi đây không chỉ có sự dữ dội, hùng vĩ, hiểm nguy mà còn mang nét bình yên, thơ mộng, pha chút thiêng liêng, huyền bí. Núi rừng hoang sơ cũng được tô điểm bởi đêm hội vui tươi, trở thành một trong những kí ức không thể phai nhòa trong tâm trí người lính. Bằng sự tài hoa, tinh tế cùng bút pháp gợi mà không tả, Quang Dũng đã thành công đem cả chất nhạc và chất họa vào trong tác phẩm của mình. 

Đoạn thơ thứ hai của "Tây Tiến" đã thành công khắc họa vẻ đẹp tâm hồn đầy lãng mạn của những người chiến sĩ trẻ thời chống Pháp. Gạt bỏ đi đau thương mà mất mát chiến tranh gây ra, họ vẫn sáng lên với tinh thần lạc quan, sự hào hoa và tinh tế. Qua đây, độc giả cũng thấy được thêm vẻ đẹp khác của núi rừng Tây Bắc. Đồng thời, thấu hiểu và đồng cảm hơn với những kí ức đẹp đẽ mà tác giả có cùng với quân đoàn khi xưa. 

- - - - - - - - - - - - - - - - - - -  HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-kho-2-bai-tho-tay-tien-cua-quang-dung-51516n.aspx
Với khổ thơ thứ hai, các em hãy tập trung khai thác tình quân dân thắm thiết trong đêm văn nghệ. Từ đó, thấy được tâm hồn đầy lãng mạn của người lính Tây Tiến khi xưa. Để hiểu hơn về tác phẩm "Tây Tiến", các em có thể tham khảo thêm: Phân tích nét độc đáo, mới mẻ của hình ảnh người lính trong bài thơ Tây Tiến, cảm nhận về bức tranh thiên nhiên qua hai đoạn thơ trong Tây Tiến và Việt Bắc, Bình giảng khổ 3 bài thơ Tây Tiến, phân tích vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, bi tráng trong bài thơ Tây Tiến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết