1. Mở đầu:
- Lời chào và giới thiệu.
- Giới thiệu về giá trị một truyện thơ hoặc một bài hát mà em yêu thích.
2. Nội dung chính:
- Nêu tác giả sáng tác, tên tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác.
- Nêu lí do giới thiệu tác phẩm.
* Với bài giới thiệu giá trị một truyện thơ:
- Khái quát về thể loại truyện thơ.
- Tóm tắt nội dung cốt truyện.
- Giới thiệu nhân vật.
- Khái quát lại chủ đề, thông điệp của tác phẩm.
- Nêu những điểm nổi bật về nghệ thuật (kết cấu, hình ảnh, ngôn ngữ nghệ thuật,...).
* Với bài giới thiệu giá trị một bài hát:
- Khái quát về thể loại của bài hát.
- Giới thiệu về nội dung, phương thức thể hiện của bài hát (đơn ca, tốp ca, hợp xướng,...).
- Nêu điểm nổi bật về tiết tấu, ca từ, hòa âm, nghệ thuật trình diễn,...
- Khái quát lại chủ đề, thông điệp của bài hát
3. Kết thúc:
- Nêu ý kiến đánh giá của em về tác phẩm ấy.
- Lời kết.
1. Dàn ý Bài nói trình bày về giá trị của một truyện thơ:
1.1. Mở đầu:
- Lời chào và giới thiệu.
- Giới thiệu truyện thơ nôm "Thạch Sanh"
1.2. Triển khai:
- Tác phẩm được ra đời khoảng cuối thế kỉ 18, đầu thế kỉ 19, lấy cảm hứng từ truyện cổ tích "Thạch Sanh".
- Có nhiều dị bản nhưng bản nổi tiếng nhất gồm 1812 câu lục bát.
- Tóm tắt nội dung cốt truyện:
+ Câu chuyện kể về dũng sĩ Thạch Sanh tuy nghèo khó nhưng rất anh dũng giết chằn tinh, giết đại bàng, cứu được công chúa và con vua Thủy Tề.
+ Thạch Sanh cưới công chúa, đánh lui quân địch và được phong lên làm vua.
- Hai nhân vật trong câu chuyện đã trở thành hình tượng điển hình trong văn hóa Việt Nam:
+ Thạch Sanh thường đại diện cho những người tốt bụng, khỏe mạnh, thật thà, dũng cảm.
+ Lí Thông là đại diện cho người xấu xa, tham lam, gian trá.
- Nghệ thuật của tác phẩm:
+ Từ ngữ, cốt truyện bình dị, gần gũi.
+ Những đoạn như Thạch Sanh xuống thăm thủy cung hay khi miêu tả về cây đàn thần cũng rất giàu hình ảnh.
+ Thể thơ lục bát quen thuộc dễ nghe dễ đọc, dễ thuộc.
- Chủ đề, thông điệp của tác phẩm:
+ Răn dạy con người về thiện - ác, nhân - quả.
+ Ca ngợi hình tượng Thạch Sanh - người mang tầm vóc đại anh hùng sử thi.
1.3. Kết thúc:
- Nêu ý kiến đánh giá của em về truyện thơ Nôm "Thạch Sanh".
- Lời kết.
2. Bài nói trình bày về giá trị của một truyện thơ:
Xin chào cô và các bạn. Em tên là Minh Châu. Trong bài nói hôm nay, em xin trình bày về giá trị của một câu truyện thơ em rất yêu thích. Đó chính là truyện thơ Nôm "Thạch Sanh".
Tác phẩm được ra đời khoảng cuối thế kỉ 18, đầu thế kỉ 19, lấy cảm hứng từ truyện cổ tích "Thạch Sanh" mà dân gian vẫn truyền miệng. Có đến ba dị bản của truyện thơ Nôm này. Bản nổi tiếng và được mọi người biết đến gồm 1812 câu thơ lục bát. Tác phẩm kể về chàng Thạch Sanh tuy nghèo khó nhưng rất dũng cảm. Anh đã trừ khử Chằn Tinh, giải cứu công chúa Quỳnh Nga và con vua Thủy Tề khỏi đại bàng khổng lồ. Sau khi cưới công chúa, Thạch Sanh đã đánh lui được quân địch và lên làm vua. Nội dung tác phẩm khá tương đồng với truyện cổ tích. Tuy nhiên, truyện thơ Nôm đã kể lại một cách chi tiết hơn phiên bản dân gian.
Thông qua "Thạch Sanh", chúng ta thấy được những bài học mà cha ông ta đã răn dạy về thiện - ác, nhân - quả ở đời. Dù Thạch Sanh sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, không ít lần phải nếm trải đắng cay khi bị lừa gạt, vu oan, hãm hại nhưng anh vẫn giữ nguyên bản chất trong sáng, thật thà, lương thiện. Để rồi sau đó, anh cũng nhận lại báo đáp xứng đáng: được vua Thủy Tề yêu quý tặng báu vật, được công chúa giải oan và lên làm vua. Ngoài ra, với nhân vật hai mẹ con nhà Lí Thông, ta cũng thấy rõ được thông điệp "gieo gió gặt bão" mà người đời muốn truyền tải. Dù đã được Thạch Sanh tha tội cho trở về quê cũ nhưng hai người vẫn bị Thiên Lôi đánh và hóa thành bọ hung:
"Mẹ con về đến giữa đường
Thiên Lôi ngũ bộ đánh nhường cả hai.
Cho hay những kẻ phi loài
Người dù không giết thì trời chẳng tha."
Từ đó, Thạch Sanh, Lí Thông cũng đã trở thành hình tượng điển hình trong văn hóa Việt Nam. Nhân vật Lí Thông thường đại diện cho những người xấu xa, tham lam, gian trá. Ngược lại, hình tượng Thạch Sanh không chỉ mang cảm hứng sử thi, thần thoại hóa mà còn có những nét tính cách và số phận tiêu biểu cho đại đa số người dân thời đó. Anh chính là hiện thân của những người tốt bụng, khỏe mạnh, thật thà, dũng cảm.
Ngoài giá trị về nội dung, tác phẩm cũng có nhiều đặc sắc về nghệ thuật. Sử dụng thể thơ lục bát cùng cốt truyện quen thuộc gần gũi, truyện thơ Nôm "Thạch Sanh" là một tác phẩm dễ nghe, dễ đọc, dễ thuộc, đi sâu vào đời sống nhân dân. Các trích đoạn như Thạch Sanh xuống thăm thủy cung hay khi miêu tả về cây đàn thần cũng có những ngôn từ giàu hình ảnh, so sánh cũng xuất hiện.
Chúng ta thường chỉ nhắc đến truyện cổ tích "Thạch Sanh" và quên đi tác phẩm truyện thơ đầy đặc sắc, mang đậm hơi thở dân tộc này. Vậy nên, mong rằng qua bài nói này, các bạn đã biết thêm nhiều điều về câu chuyện tưởng chừng như đã quá quen thuộc. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
1. Dàn ý trình bày về giá trị của một bài hát:
1.1. Mở đầu:
- Lời chào và giới thiệu.
- Giới thiệu bài hát "Nấu ăn cho em".
1.2. Triển khai:
* Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:
- Giới thiệu tác giả: Rapper Đen Vâu - người có nhiều bản nhạc ý nghĩa về cuộc sống.
- Thể loại: Rap
* Giá trị của tác phẩm:
- Nội dung: Nói về hành trình đi học của những em bé vùng cao, từ đó tác giả đưa ra những suy nghĩ về cuộc sống.
- Ca từ trong sáng, giàu chất thơ .
- Lời hát ca ngợi, động viên những em bé vùng cao trên con đường đi học.
=> Tác phẩm ý nghĩa.
- Bài hát và dự án "Nuôi em":
+ "Nuôi em" là dự án thiện nguyện ý nghĩa giúp các em nhỏ dân tộc ở vùng cao có bữa trưa đầy đủ chất dinh dưỡng.
+ MV bài hát được quay trong một chuyến đi thiện nguyện của Rapper Đen Vâu cùng cả team.
+ Sau khi bài hát được phát hàng, đã có hơn 1000 em bé được nhận nuôi.
+ Tổng thu nhập đến từ ca khúc này được Đen Vâu quyên góp toàn bộ để xây dựng trường học cho các em nhỏ vùng cao và dự án "Nuôi em".
=> Tác phẩm lan tỏa những điều tích cực, tình yêu thương đến mọi người, nâng đỡ những em nhỏ vùng cao, giúp các em có bữa ăn no đủ.
1.3. Kết thúc:
- Khái quát ý nghĩa của ca khúc.
- Lời kết.
2. Bài nói trình bày về giá trị của một bài hát:
Chào cô và các bạn. Trong tiết học trình bày về giá trị của một truyện thơ hoặc một bài hát mà bạn yêu thích hôm nay, em xin phép được nói về một ca khúc cực kì ý nghĩa mà em rất yêu thích. Đó chính là bài hát "Nấu ăn cho em" của rapper Đen Vâu.
Chắc hẳn cái tên Đen Vâu cũng không quá xa lạ với các bạn ngồi đây nữa. Anh là rapper có nhiều bản nhạc nổi tiếng, ý nghĩa về cuộc sống. Bài hát "Nấu ăn cho em" vẫn thuộc thể loại rap giống như những ca khúc anh đã từng phát hành. Thế nhưng, đây là một tác phẩm có ý nghĩa đặc biệt.
Nội dung bài hát nói về hành trình đi học của những em bé vùng cao. Từ đó, tác giả Đen Vâu đã đưa ra một vài suy nghĩ về cuộc sống. Tác phẩm có ca từ trong sáng, giàu chất thơ như: "Mấy đứa trẻ đi lên trường, đội trên đầu là đóa mây trắng. Chân đạp lên mặt trời, môi thì cười và má hây nắng". Bản phối của ca khúc này cũng khá tối giản với tiếng guitar và violin hòa quyện vào nhau. Cách đi flow của Đen chậm rãi cùng những ca từ đầy yêu thương. Giọng ca cao vút của nữ ca sĩ Pia Linh cũng gây thiện cảm, tạo nên điệp khúc đáng nhớ trong lòng người nghe.
Thế nhưng, điều đáng nói ở tác phẩm này không chỉ nằm ở nội dung mà nằm ở ý nghĩa nhân văn và tấm lòng thiện nguyện đầy cao cả. Bài hát này gắn liền với dự án "Nuôi em". Đây là dự án thiện nguyện ý nghĩa giúp các em nhỏ dân tộc ở vùng cao có bữa trưa đầy đủ chất dinh dưỡng. Mỗi tháng, người nhận nuôi em chỉ cần bỏ ra 150.000 nghìn đồng để một em có bữa ăn ngon. MV bài hát được quay trong một chuyến đi của Rapper Đen Vâu cùng cả team đến Trường TH và THCS Sá Tổng (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên). Anh đã đến thăm, nấu ăn cho các học sinh và quyên tặng nhiều sách vở, đặc sản địa phương như mắm tép, chả mực,... Sau khi bài hát được phát hành, đã có hơn 1000 em bé được nhận nuôi. Tổng thu nhập đến từ ca khúc này được Đen Vâu quyên góp toàn bộ để xây dựng trường học cho các em nhỏ vùng cao và dự án "Nuôi em". Vậy nên, bài hát "Nấu ăn cho em" đã lan tỏa tình yêu thương và những điều tích cực đến mọi người. Đây chính là bệ đỡ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có bữa ăn no đủ, có điều kiện để học tập thật tốt.
Là một học sinh, em chưa thể làm được điều gì quá to tát, lớn lao. Thế nhưng, em muốn chia sẻ ca khúc này đến cô và các bạn để chúng ta có thể cùng nhau nghe bài hát này, góp phần giúp hành trình đi tìm con chữ của các em nhỏ vùng cao bớt vất vả hơn. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe, em xin hết.
1. Dàn ý trình bày về giá trị của một truyện thơ:
1.1. Mở đầu:
- Lời chào và giới thiệu.
- Giới thiệu truyện thơ Nôm "Bích Câu kì ngộ".
1.2. Triển khai:
- Tác giả dân gian, không rõ của ai.
- Khái quát nội dung truyện thơ:
+ "Bích Câu kì ngộ" là cuộc hội ngộ kì lạ ở vùng đất Bích Câu.
+ Tú Uyên là chàng học sinh nghèo, một lần thấy bóng dáng cô gái yêu kiều nên ôm mộng tương tư.
+ Thấy bức tranh vẽ người giống nàng, Tú Uyên mua về rồi đối đãi như người thật. Đến bức cơm cũng sắp bát đũa mời bức tranh.
+ Sau đó, chàng phát hiện ra có nàng tiên nữ Giáng Kiều từ trong tranh bước ra. Hai người nên duyên vợ chồng. Tú Uyên tu tiên và hai người bay về trời.
=> Câu chuyện mang màu sắc hoang đường kể về mối tình đẹp giữa người và tiên.
- Nét đặc sắc về chủ đề, thông điệp của tác phẩm:
+ Câu chuyện tuần Việt: Bối cảnh, nhân vật và sự tích câu chuyện đều là của đất Việt.
+ Thể hiện ước muốn muốn rời bỏ hiện thực đau buồn, thoát lên cõi tiên để tìm đến niềm vui hạnh phúc.
+ Cho thấy sức ảnh hưởng của Đạo giáo trong đời sống xã hội phong kiến.
- Những điểm nổi bật về nghệ thuật: Biết tiếp thu những đặc sắc nghệ thuật của Truyện Kiều:
+ Ngôn ngữ trong sáng, giàu hình ảnh nhạc điệu.
+ Khắc họa tâm trạng nhân vật rất rõ nét.
1.3. Kết thúc:
- Khái quát lại giá trị của "Bích Câu kì ngộ".
- Lời kết.
2. Bài nói trình bày về giá trị của một truyện thơ:
Chào cô và các bạn, hôm nay em sẽ trình bày về truyện thơ Nôm "Bích Câu kì ngộ" mà em vô cùng yêu thích.
Chắc hẳn các bạn cũng đã khá quen thuộc với tác phẩm này vì chúng ta vừa được học trong bài học trước. Tuy nhiên, hôm nay em sẽ trình bày giá trị về nội dung và nghệ thuật của toàn bộ truyện thơ.
Đầu tiên, em sẽ khái quát lại một chút về nội dung của "Bích Câu kì ngộ". Đây là câu chuyện mang màu sắc hoang đường, kì ảo, kể về mối tình đẹp giữa người và tiên. Tú Uyên là chàng học sinh nghèo. Trong một lần đi chơi hội, anh thấy bóng dáng của cô gái yêu kiều rồi về ôm mộng tương tư. Khi thấy bức vẽ giống người trong mộng, Tú Uyên liền mua về rồi đối đãi như người thật. Sau đó, chàng phát hiện ta có nàng tiên nữ Giáng Kiều từ trong tranh bước ra. Hai người nên duyên vợ chồng. Trải qua một vài trắc trở, Tú Uyên tu tiên rồi cùng vợ bay về trời.
Nếu chỉ nhìn vào nội dung, ta thấy rằng đây là một câu chuyện rất bình thường. Nhưng khi phân tích kĩ, ta sẽ thấy được những giá trị rất đặc biệt của tác phẩm. Khác với "Truyện Kiều" được lấy cảm hứng từ một tác phẩm của Trung Quốc, "Bích Câu kì ngộ" là câu chuyện dân gian được truyền lại từ đời vua Lê ở thế kỉ XV. Vì là một cốt truyện thuần Việt, tên nhân vật và địa danh cũng rất quen thuộc với nhân dân như "Bích Câu", "chùa Ngọc Hồ", "đền Bạch Mã",... Ngoài ra, sự việc Tú Uyên tu luyện thành tiên và về trời cho thấy sức ảnh hưởng của Đạo giáo trong đời sống xã hội phong kiến. Khi mà cuộc sống nhân dân có nhiều đau buồn, họ đã thể hiện ước muốn thoát lên cõi tiên để kiếm tìm hạnh phúc.
Nghệ thuật của tác phẩm cũng là một điều rất đáng để nhắc đến. Tác phẩm đã biết tiếp thu những đặc sắc nghệ thuật của "Truyện Kiều", và thể hiện nó trong ngôn ngữ. Những câu thơ tả cảnh giàu hình ảnh cho ta thấy vùng đất Thăng Long phồn hoa một thời:
"Thành Tây có cảnh Bích Câu
Có hoa góp lại một bầu xinh sao,
Đua chen thu cúc, xuân đào,
Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông,
Xanh xanh dãy liễu, ngàn thông,
Cỏ đan lối mục, rêu phong dấu tiều.
Một vùng non nước quỳnh dao,
Phất phơ gió trúc, dặt dìu mưa hoa."
Ngoài những câu thơ trong sáng, giàu nhạc điệu, tác phẩm cũng có những câu thơ khắc họa tâm trạng nhân vật rất rõ nét:
"Có khi chuốc chén rượu đào,
Tiệc mời chưa cạn ngọc giao đã đầy.
Hơi men không nhấp mà say,
Như xông mùi nhớ, lại gây giọng tình.
Có khi ngồi suốt năm canh
Mõ quyên điểm nguyệt, chuông kình nện sương.
Lặng nghe những tiếng đoạn trường,
Lửa tình dễ đốt, sóng Tương khôn hàn.
Có đêm ngắm bóng trăng tàn,
Tiếng quyên hót sớm, trận nhàn bay khuya.
Ngổn ngang cảnh nọ tình kia,
Nỗi riêng, riêng biết, dã dề với ai!
Vui xuân chung cảnh một trời,
Sầu xuân riêng nặng một người tương tư."
Vậy, "Bích Câu kì ngộ" không chỉ là một truyện thơ Nôm đơn thuần mà nó còn cho người đọc thấy được cảnh sắc, cuộc sống ở kinh thành Thăng Long xưa. Những câu chuyện về Đạo giáo trong tác phẩm cũng là tài liệu tham khảo quý giá về một tư tưởng tôn giáo đã từng xuất hiện trong xã hội phong kiến.
Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe bài nói của em. Em xin phép được kết thúc bài nói tại đây.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/trinh-bay-ve-gia-tri-cua-mot-truyen-tho-hoac-mot-bai-hat-yeu-thich-76647n.aspx
Ngoài những tác phẩm mà Taimienphi.vn gợi ý, các em có thể tìm hiểu thêm những truyện thơ nổi tiếng như: Khảm hải, Trương Chi, Quan Âm Thị Kính, Trương Chi,... Mời em tham khảo thêm một số bài văn mẫu lớp 11 khác như: Phân tích giá trị đặc sắc của một truyện thơ hay bài hát yêu thích; Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về vấn đề xã hội đặt ra từ truyện Kép Tư Bền...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn