1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về 8 câu thơ đầu trong bài: Cảm xúc nhớ thương, lưu luyến của tác giả khi rời xa Việt Bắc.
2. Thân bài:
2.1. Khái quát chung:
- Bài thơ được viết vào tháng 10 năm 1954, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thành công.
- Toàn bộ bài thơ là nỗi nhớ da diết, sâu nặng, thủy chung dành cho thiên nhiên và con người Việt Bắc - vùng đất đã gắn bó với cách mạng suốt mười lăm năm chiến đấu.
2.2. Phân tích:
a, Nỗi nhớ của người ở lại dành cho người ra đi:
- Khung cảnh chia tay bịn rịn giữa người ra đi và người ở lại.
- Cách xưng hô: "mình" - "ta": Thể hiện sự gần gũi, dân dã như trong những câu ca dao.
- "Mười lăm năm ấy": Khoảng thời gian gắn bó ở chốn núi rừng Việt Bắc.
- Điệp ngữ "nhớ" cùng điệp cấu trúc "Mình về mình có nhớ...": Nhấn mạnh cảm xúc, suy tư của người ra đi.
- "Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn": Nỗi nhớ rộng lớn, bao trùm cả không gian.
=> Sự gắn bó sâu sắc với không gian núi rừng, với quê hương, cội nguồn.
b, Tiếng lòng của người ra đi với bao nhớ thương, bịn rịn:
- Các từ láy được sử dụng liên tiếp: "tha thiết", "bâng khuâng", "bồn chồn" -> Thể hiện sự xao xuyến, thái độ không nỡ xa rời.
- "Áo chàm đưa buổi phân li":
+ Hình ảnh của những người dân Việt Bắc.
+ Cuộc chia tay đầy bịn rịn.
- "Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay":
+ Hành động thân thiết, chất chứa bao cảm xúc.
+ Nỗi xúc động không thể được diễn tả bằng lời.
=> Lời nhắn gửi dưới dạng câu hỏi đã khéo léo bộc lộ được nỗi nhớ, cảm xúc của con người về cội nguồn quê hương, về cách mạng, về những kỉ niệm ân tình.
2.3. Đánh giá chung:
a, Nội dung:
- Khắc họa chân thực và rõ nét nỗi nhớ của tác giả với vùng đất Việt Bắc gắn bó suốt hàng chục năm.
- Tái hiện những kí ức về thiên nhiên và con người Việt Bắc, tình nghĩa thủy chung, gắn bó với cội nguồn quê hương, với cách mạng.
b, Nghệ thuật:
- Cách xưng hô gần gũi cùng lối viết thơ mang đậm chất ca dao.
- Điệp từ "nhớ", "mình" kết hợp cùng các biện pháp tu từ ẩn dụ, nhân hóa.
- Các hình ảnh thơ giàu sức gợi.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ.
- Liên hệ mở rộng.
Những cuộc chia li luôn mang lại vô vàn cảm xúc, suy tư cho con người. Văn học đã khắc họa điều này vô cùng rõ nét, đặc biệt là qua thi phẩm "Việt Bắc" của Tố Hữu. Bằng tài năng cùng tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, nhà thơ đã mang đến cho độc giả hình ảnh thiên nhiên và con người trên vùng núi non Việt Bắc. Đồng thời, thể hiện nỗi nhớ, sự lưu luyến khôn nguôi khi phải rời xa nơi này. Trong tám câu thơ đầu, nỗi nhớ ấy được hiện lên một cách vô cùng gần gũi, giản dị mà không kém phần sâu sắc.
Tác phẩm được sáng tác vào tháng 10 năm 1954, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta giành thắng lợi. Thời gian này, căn cứ quân sự của ta được chuyển từ Việt Bắc về thủ đô Hà Nội. Những chiến sĩ cách mạng giờ đây phải nói lời chia tay với bà con đồng bào vùng núi. Sự gắn bó suốt mười lăm năm kháng chiến khiến cả người ra đi lẫn người ở lại đều lưu luyến, bịn rịn khôn nguôi.
Bốn câu thơ đầu chính là lời bày tỏ nỗi nhớ của người ở lại:
"- Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?"
Với thể thơ lục bát dân dã cùng lối xưng hô "mình" - "ta" thân thuộc, tác phẩm ngay lập tức tạo được ấn tượng cho độc giả về sự gần gũi, giản dị. Điệp từ "nhớ" được lặp lại đến bốn lần như nhấn mạnh cảm xúc, nỗi lưu luyến của con người. "Mười lăm năm ấy" chính là mười lăm năm quân và dân ta cùng nhau sát cánh, đồng cam cộng khổ, chia sẻ ngọt bùi đắng cay. Cụm từ "thiết tha mặn nồng" đã diễn tả rất rõ điều đó. Tình cảm quân dân cứ vậy ngày một khăng khít, gắn bó. Lòng người giờ đây tràn ngập nỗi nhớ. Những lời ướm hỏi "Mình về mình có nhớ..." đã bày tỏ tâm trạng lưu luyến khôn nguôi của cả người ra đi và người ở lại. Cảnh vật lúc này cũng nhuốm màu nỗi nhớ. Những động từ "nhìn" và "nhớ" đi liền với nhau, khắc sâu thêm kí ức về những ngày tháng khó khăn, gian khổ khi xưa.
Sang đến bốn câu thơ tiếp theo, tác giả đã thành công khắc họa tâm trạng lưu luyến, bịn rịn của những người ra đi:
"- Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay..."
Bằng một loạt các câu hỏi tu từ cùng các từ láy "tha thiết", "bâng khuâng", "bồn chồn", Tố Hữu đã mang đến âm hưởng vang vọng, kéo dài cho các câu thơ. Điều này không chỉ giúp thể hiện tâm trạng thi sĩ mà còn giúp độc giả đồng cảm, thấu hiểu được cho tâm trạng lưu luyến, không nỡ rời xa của người ra đi. Họ phải quay lưng rời khỏi nơi chốn thân thương, bỏ lại những người đã từng kề vai sát cánh, chia ngọt sẻ bùi trong suốt mười năm năm. Vậy nhưng khi nghe thấy âm thanh "tiếng ai tha thiết", tâm trạng của họ cứ "bâng khuâng", "bồn chồn", chẳng nỡ xa rời. Qua đây, độc giả cũng thấy được sự gắn bó, nghĩa tình sâu nặng giữa quân và dân ta trong kháng chiến. Trong đoạn thơ này, Tố Hữu đã sử dụng hình ảnh hoán dụ "áo chàm" để nói về bà con nhân dân đã cần mẫn ngày đêm phục vụ Cách mạng. Họ bịn rịn, quyến luyến "đưa buổi phân li", tiễn những người lính về với mảnh đất Thủ đô. Giây phút ấy, tay nắm lấy tay, chẳng nỡ tách rời. Mọi lời nói dường như nghẹn lại, không thể thốt ra thành lời. Sự xúc động chỉ có thể bày tỏ qua cái nắm tay, qua ánh mắt và cử chỉ.
Như vậy, hai khổ thơ đầu của thi phẩm "Việt Bắc" đã thành công khắc họa nỗi nhớ của tác giả với mảnh đất thân thương. Tố Hữu không chỉ tái hiện được những kí ức về thiên nhiên, con người Việt Bắc mà còn khẳng định nghĩa tình thủy chung, gắn bó dành cho cội nguồn quê hương, Cách mạng. Bằng cách xưng hô "mình" - "ta" gần gũi, mang đậm chất ca dao, tác phẩm đã dễ dàng đi vào lòng người đọc. Từ đó, in sâu thêm ấn tượng về cảm xúc mãnh liệt, da diết của nhà thơ. Điệp từ "nhớ" xuất hiện với tần suất lớn cũng góp phần thể hiện mạch cảm xúc chủ đạo mà tác phẩm hướng đến. Đồng thời, khiến cho câu thơ có thêm nhiều sức gợi.
Qua tám câu thơ đầu, độc giả đã phần nào thấy rõ hơn được sự tài hoa, cái nhìn đầy thi vị của Tố Hữu về cuộc đời. Với "Việt Bắc", nhà thơ đã chứng tỏ vị thế của mình trong dòng chảy văn học, xứng đáng với danh xưng "lá cờ đầu" của thơ ca Cách mạng Việt Nam.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/bai-van-mau-phan-tich-8-cau-dau-cua-bai-viet-bac-to-huu-76128n.aspx
Nỗi nhớ chính là mạch cảm xúc xuyên suốt tác phẩm, tôn lên vẻ đẹp tâm hồn của người thi sĩ. Mời em ghé xem các bài viết liên quan trên Taimienphi.vn để hiểu sâu hơn toàn bộ bài thơ nhé: Phân tích khổ 4 bài Việt Bắc của Tố Hữu; Phân tích khổ 8 bài thơ Việt Bắc; Bức tranh tứ bình trong Việt Bắc, Tố Hữu.
Những tin cũ hơn